Lâu nay,áomớichobờđôngsôngSàiGò1983 trong khi bờ tây là bến Bạch Đằng ngày càng được hoàn thiện khang trang, nhộn nhịp, trở thành điểm đến yêu thích của du khách và người dân TP, thì bờ đông của sông Sài Gòn đến nay chủ yếu vẫn chỉ là những bãi đất trống hoang sơ, nhếch nhác.
"Lột xác" gần 1 km bờ đông
Trong báo cáo vừa gửi UBND TP.HCM về ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang, sử dụng tạm không gian bờ đông sông Sài Gòn đoạn từ cầu Ba Son đến nắp hầm Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức), Sở Quy hoạch - Kiến trúc đánh giá khu vực bờ sông này chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Hiện trạng cảnh quan và môi trường tự nhiên tại khu vực còn nhếch nhác, ô nhiễm do rác thải cùng khói bụi từ các dự án đầu tư xây dựng đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều kiện cảnh quan, môi trường như trên đã ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu vực trung tâm TP, trực tiếp là khu vực bến Bạch Đằng, phía bờ tây sông Sài Gòn.
Trong thời gian chờ triển khai xây dựng công viên ven sông theo quy hoạch được duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất ý tưởng thiết kế cải tạo, chỉnh trang nhằm cải thiện cảnh quan, môi trường đô thị khu vực bờ đông. Cụ thể, đoạn bờ sông được cải tạo dài khoảng 830 m, từ cầu Ba Son đến nóc hầm Thủ Thiêm, đối diện là công viên bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM). Các đơn vị sẽ làm sạch, tạo thông thoáng cho đoạn sông nêu trên với chiều rộng khoảng 50 m vào phía bờ. Tại các vị trí bãi bồi, khu bán ngập nước sẽ được lắp đặt bè nổi trồng cây thủy sinh. Đoạn trước nhà thờ đến nóc hầm Thủ Thiêm dài 200 m được tính toán tận dụng rào chắn công trình kết hợp trồng tre, trúc, tạo tường xanh dọc bờ sông.
Khu vực phía trước nhà thờ Thủ Thiêm dự kiến được bố trí các màn hình LED phục vụ cổ động, tuyên truyền, tạo ánh sáng về đêm. Đồng thời, tại nóc hầm Thủ Thiêm cũng sẽ bố trí một số công trình trang trí như: đu quay đứng, cầu đi bộ, khung vòm cảnh quan... Ngoài ra, các cầu tàu hiện hữu ở khu vực trên cũng sẽ được nâng cấp và phát triển các dịch vụ lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, kết hợp với quản lý, duy tu. Việc triển khai các công việc trên được Sở Quy hoạch - Kiến trúc đặt mục tiêu hoàn thành trước Tết Dương lịch năm sau, nguồn vốn dự kiến từ xã hội hóa.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết đây mới là ý tưởng ban đầu của Sở nhằm nâng cao giá trị cảnh quan dòng sông, tạo hình ảnh đô thị khu vực trung tâm TP văn minh, hiện đại, có tầm nhìn sống động từ phía bờ tây sông Sài Gòn.
Việc cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường sẽ tạo không gian xanh, thoáng đãng phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân; hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực do việc thi công xây dựng các công trình, dự án tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đến môi trường, cảnh quan đô thị khu trung tâm TP. Do khu vực này đã có quy hoạch trở thành quảng trường công viên nên Sở chỉ đề xuất tập trung các giải pháp khai thác, cải tạo, lắp đặt và tái sử dụng cảnh quan tự nhiên cũng như các công trình hiện trạng, công trình sắp triển khai xây dựng để giảm chi phí đầu tư, đảm bảo hiệu quả nhưng tiết kiệm, phù hợp với tính chất là công trình sử dụng tạm thời.
Nối đôi bờ, hồi sinh bản sắc đô thị sông nước
Sau khi hầm vượt sông Sài Gòn (còn gọi là hầm Thủ Thiêm) chính thức thông xe và mới nhất là cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành, bán đảo Thủ Thiêm đã chính thức lột xác từ vùng đầm lầy hoang sơ thành khu "đất vàng". Những khu đô thị liên tiếp mọc lên như nấm, hạ tầng giao thông từng bước được đẩy nhanh, hoàn thiện.
Thế nhưng, sự khác biết giữa cảnh quan kiến trúc giữa đôi bờ sông vẫn chưa được cải thiện. Trong khi bến Bạch Đằng đã trở thành không gian văn hóa, vui chơi, giải trí nhộn nhịp nhất khu vực trung tâm thì bờ đông vẫn ngổn ngang là những bãi đất hoang cỏ mọc um tùm. Trước khi cầu Thủ Thiêm 2 nối tới bờ đông, khu vực này được phủ kín bởi những quán cà phê, ăn uống tự phát. Ánh sáng cũng chỉ là những bóng đèn được người dân tự kéo về một cách tạm bợ.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng việc cải tạo, chỉnh trang bờ đông sông Sài Gòn lẽ ra phải làm từ lâu rồi. Bởi, trong quy hoạch từ cách đây nhiều năm, TP.HCM đã có chủ trương phát triển Thủ Thiêm trở thành khu lõi trung tâm của TP. Muốn như vậy, dứt khoát cảnh quan 2 bên bờ sông phải được đầu tư đồng bộ, trở thành cảnh quan khu trung tâm. Nếu cảnh quan đôi bờ được hình thành sớm hơn thì khu Thủ Thiêm sẽ phát triển tốt hơn. Vì thế, đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc rất cần thiết và phù hợp với quy hoạch.
"Kiến trúc cảnh quan đôi bờ sông phải có điểm nhấn, phải gắn với bộ mặt đô thị, các công trình dọc kênh như các bến tàu, bến thủy… Việc phát triển cảnh quan, kinh tế, giao thông dọc sông Sài Gòn cần có một bản thiết kế đô thị chung. Tuy nhiên, riêng phần khu vực Thủ Thiêm thì phải có sự kết nối cảnh quan với bờ tây vì nó là khu vực trung tâm", ông lưu ý.
Là người trực tiếp cùng lãnh đạo TP tham gia khảo sát hiện trạng đôi bờ sông Sài Gòn, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP đã thống nhất quan điểm, chủ trương quy hoạch lại sông Sài Gòn từ khu vực hồ Dầu Tiếng mở ra tới cửa biển Cần Giờ theo hướng làm song song: một mặt quy hoạch chiến lược cho cả tuyến dài, mặt khác đoạn nào làm được thì làm trước ngay, không chờ đợi để người dân dần quen với không gian sông nước công cộng.
Quyết định số 1468 của UBND TP về duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 quảng trường trung tâm và công viên bờ sông tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo quy hoạch, khu vực có dự kiến bố trí 2 cầu đi bộ kết nối quảng trường trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm với công viên bến Bạch Đằng. Vì thế, về lâu dài, để phát huy tối đa giá trị của dòng sông, tạo dựng không gian cảnh quan đô thị khu vực trung tâm thì vẫn cần đẩy nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng để triển khai thực hiện việc xây dựng công viên bờ đông sông Sài Gòn đồng bộ theo quy hoạch được duyệt nhằm kết nối không gian đô thị, không gian văn hóa đồng bộ đôi bờ.Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc
Hiện nay, khu vực đô thị Thủ Thiêm đối diện bến Bạch Đằng chủ yếu là quỹ đất sạch, thuận lợi để làm được ngay. Trước giờ, người dân TP vẫn xem khu vực này như chưa phát triển, nhìn thấy nhưng không ai muốn tới. Việc chỉnh trang cảnh quan lần này sẽ mở đường cho sự giao lưu, kết nối cộng đồng đôi bờ, đồng thời đặt bước đi đầu tiên tốt cho quy hoạch 2 bờ sông.
Tuy nhiên, với khu vực này, KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý cần đặc biệt tính toán tới yếu tố cốt nền phù hợp với xu hướng TP.HCM đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cốt nền phải đủ cao để đối phó với triều cường, ngập lụt trong tương lai nhưng riêng không gian xanh thì không cần đắp nền nâng lên cao. Đồng thời, công viên phải có bóng mát, có cây xanh để phù hợp với thời tiết nắng gắt của miền Nam, không thể chặt cây trồng cỏ như mô hình công viên Bạch Đằng hay công viên ở các nước xứ lạnh.
"Muốn tận dụng không gian hiệu quả, phải phối hợp với giao thông công cộng, phải có bãi xe, có nhiều tiện ích như những chỗ để thông tin, bảng biểu, nơi nghỉ chân, ghế đá, thậm chí có những chỗ để tổ chức picnic ngoài trời… Không gian 2 bên bờ sông phải liên tục, đoạn nào bị lấn chiếm chưa giải tỏa được thì tạm chạy vào trong để đảm bảo có lối đi liên tục cho người dân, tạo thành thói quen sinh hoạt, dần trả lại bản sắc đô thị sông nước Sài Gòn xưa", vị chuyên gia này nhấn mạnh.